Mục đích của văn bản quy phạm pháp luật


  1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều tiết những vấn đề thực tiễn. Xã hội ngày càng phát triển đa dạng, đa chiều với những mối quan hệ phức tạp, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đang đặt ra cho Nhà nước những vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết trong quá trình quản lý, điều hành.
  2. Văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa và bảo đảm thực hiện các chính sách. Pháp luật là biểu hiện hoạt động của các chính sách . Pháp luật được ban hành có thể đưa ra các biện pháp gián tiếp, thông qua việc tạo ra hành lang pháp lý mà trong phạm vi đó, từng cá nhân đóng vai trò là động lực. Luật pháp có thể đem lại công bằng xã hội, giảm đói nghèo, tạo ra động lực cho xã hội phát triển. Tuy nhiên, cần lưu ý là phát triển thôi chưa đủ mà còn cần phải phát triển bền vững. Yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cho các cơ quan ban hành văn bản của địa phương phải có các biện pháp quản lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là sẽ không chỉ khai thác cạn kiệt các nguồn lực mà không tính các hệ quả tiếp theo và môi trường sau này. Phát triển bền vững đòi hỏi khi đưa ra các biện pháp quản lý, nhà quản lý phải tính đến việc bảo vệ môi trường. Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, địa phương đưa ra các biện pháp để quản lý tốt các trường học, bệnh viện, xây dựng và quản lý tốt hệ thống nước sạch, đường giao thông… Bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chính quyền địa phương đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp, các cơ chế thực thi hiệu quả.
  3. Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo ra/phân bổ/phát huy các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế. Pháp luật có thể tạo điều kiện để tăng việc làm và tăng thu nhập. Pháp luật tạo điều kiện cho các chủ sở hữu tiếp cận với các công nghệ thông tin và thị trường, với các kỹ năng về tín dụng và quản lý, qua đó giúp họ tăng năng suất lao động và tăng thu nhập. Trong trường hợp pháp luật thiếu hiệu quả dẫn đến việc đất nước hay từng vùng địa phương nghèo đói và kém phát triển, người ta gọi đó là “thể chế có vấn đề” . Đặc điểm ở các vùng nông thôn là người dân có mức vốn thấp, hoạt động dựa vào các công nghệ có chi phí thấp và có sẵn ở địa phương (sản xuất có thể gọi là manh mún, tiểu thủ công, phần nhiều là lao động tay chân), sử dụng các công cụ làm bằng tay nhiều hơn là sử dụng máy móc hay thiết bị hiện đại (do thiếu vốn hoặc điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế); hơn nữa, nông thôn còn có nhiều người thất nghiệp. Các nhà soạn thảo cần phải chú ý đưa ra các biện pháp pháp lý để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thị trường lao động… đồng thời phát huy được các nguồn lực.
  4. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật góp phần nhằm ổn định trật tự xã hội, tạo cơ hội quản lý tốt và phát triển. Cần phân biệt quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội khác. Trong khi các quy phạm mang tính xã hội, dù được xã hội thừa nhận, nhưng vẫn không được bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước, thì trái lại, quy phạm pháp luật luôn luôn được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.
  5. văn bản quy phạm pháp luật làm thay đổi các hành vi xử sự không mong muốn và thiết lập các hành vi xử sự phù hợp. Muốn tạo điều kiện cho phát triển, chúng ta cần phải sử dụng pháp luật để làm thay đổi hành vi xử sự của phần lớn nhân dân, đặc biệt là của các cán bộ nhà nước. Các cán bộ nhà nước là những người đầu tiên có trách nhiệm bảo đảm một xã hội công bằng, văn minh, dân chủ và thay mặt cho những người mà họ đại diện, đó là nhân dân. Các cán bộ địa phương một mặt thực hiện các nhiệm vụ mà pháp luật quy định nhưng mặt khác, đây cũng là sự phó thác của nhân dân đối với đại diện trực tiếp (Hội đồng nhân dân) hay gián tiếp (Uỷ ban nhân dân) của mình trong bộ máy chính quyền . Nếu như những người đại diện cho dân chúng không bảo đảm cho những người mà họ đại diện có cuộc sống ấm no, an bình nghĩa là họ thực hiện trách nhiệm chưa đầy đủ. Để tránh việc văn bản pháp luật trao cho các cán bộ thực thi pháp luật quyền tự định đoạt quá lớn, bên cạnh các cơ quan dân cử, vẫn cần phải có sự tham gia trực tiếp của người dân vào quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước. Để tránh sự lộng quyền của cán bộ thực thi pháp luật, chỉ có sự quy định chặt chẽ của văn bản pháp luật mới bảo đảm trách nhiệm của những cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ thực thi pháp luật, từ đó bảo đảm lợi ích của người dân. ”Thiếu sự quản lý bằng pháp luật, cơ chế trách nhiệm, tính minh bạch và sự tham gia của người dân, các quyết định sẽ trở nên tùy tiện, cán bộ chính quyền sẽ sử dụng quyền lực nhà nước không phải vì lợi ích của đa số nhân dân mà là cho riêng họ’Quy định của pháp luật sẽ định hướng cho hành vi xử sự của các cá nhân có liên quan, dù đó là người dân cũng như cơ quan thực thi pháp luật.

Ví dụ: Để bảo đảm an toàn giao thông trên đường bộ, Điều 42 Luật giao thông đường bộ năm 2001 quy định về trách nhiệm của đơn vị thi công công trình trên đường bộ đang khai thác: “Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt”.

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Mục đích của văn bản quy phạm pháp luật

  1. Pingback: Kỹ thuật soạn thảo văn bản | Thanh Vi Lam

Bình luận về bài viết này